Luật sư làm rầu thân chủ

Mỗi khi đụng việc liên quan đến pháp luật, người dân thường cậy nhờ luật sư giúp đỡ, bảo vệ pháp lý. Bên cạnh rất nhiều luật sư tận tâm, có trách nhiệm với khách hàng cũng có không ít luật sư bắt chẹt, tìm mọi cách rút tiền thân chủ…

1. Tiền thầy bỏ túi

Số lượng luật sư đã không nhiều, năng lực của một số luật sư chưa cao, chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Ðã vậy, không ít luật sư còn làm bậy, thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp khiến cho hình ảnh của giới luật sư bị ảnh hưởng trong mắt người dân.

Mỗi khi đụng việc liên quan đến pháp luật, người dân thường cậy nhờ luật sư giúp đỡ, bảo vệ pháp lý. Bên cạnh rất nhiều luật sư tận tâm, có trách nhiệm với khách hàng cũng có không ít luật sư bắt chẹt, tìm mọi cách rút tiền thân chủ…

Ứng tiền, dzọt mất

Trên thực tế, để nhận được thù lao, luật sư phải lao tâm khổ tứ nghiên cứu hồ sơ, đi lại, quan hệ lo vụ việc của thân chủ. Những hoạt động này rất khó định tên nên có những luật sư nhận tiền ứng trước của thân chủ rồi chẳng làm gì nhưng vẫn vin vào đó để biện hộ rằng “tôi đã làm hết khả năng”.

Năm rồi, luật sư D. (Đoàn Luật sư tỉnh Q.) vào “ngồi ké” một văn phòng luật sư ở quận Gò Vấp (TP.HCM) và ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với ông L. Hai bên thỏa thuận sẽ “cưa đôi” khoản tiền gần 6 tỉ đồng nếu đòi được nợ. Đòi được đến đâu, “cưa” đến đó và ông L. đã ứng trước 30 triệu đồng cho luật sư…

 

Sau đó, ông L. không thấy vụ đòi nợ của mình tiến triển gì. Ông tìm đến văn phòng luật sư ở Gò Vấp dọ hỏi thì luật sư D. đã bỏ đi mất tăm. Liên lạc theo số điện thoại của luật sư cũng không ai nhấc máy. Trong một lần gặp hiếm hoi trên điện thoại, luật sư bảo rằng mình đã làm hết trách nhiệm như làm giúp đơn gửi công an, nghiên cứu hồ sơ nên 30 triệu đồng ứng trước vẫn… chưa đủ. Đến nay ông L. vẫn ấm ức vì không thể lấy lại tiền bởi chẳng biết tìm luật sư ở đâu.

 

Lấy tiền, không làm

 

Vụ khác, gần đây, TAND TP Thanh Hóa đã tuyên buộc luật sư LTH (Trưởng Văn phòng luật sư V.H) phải trả cho bà Nguyễn Thị Hội 14,5 triệu đồng. Theo đơn kiện của bà Hội, ngày 14-4-2005, bà và luật sư H. ký hợp đồng để luật sư H. bảo vệ bà trong một vụ tranh chấp đất. Sau đó, luật sư H. đã ứng trước của bà 19,5 triệu đồng. Sau một thời gian dài, luật sư H. không thực hiện đúng theo hợp đồng nên bà yêu cầu hủy hợp đồng và đòi luật sư trả lại tiền nhưng luật sư H. không chịu…

Ðòi cưa giá trị di sản

Năm trước, bà D. ở quận Thủ Đức (TP.HCM) kiện người hàng xóm lấn chiếm đất đai. Được người quen giới thiệu, bà nhờ luật sư T. (Đoàn Luật sư TP.HCM) giúp đỡ. Những tưởng có mối men giới thiệu thì sẽ được ưu ái, nào ngờ bà D. phải xây xẩm mặt mày khi nghe luật sư đòi thù lao trọn gói 100 triệu đồng và yêu cầu ứng trước 50 triệu.

Nhắm không xong, bà tìm cớ cáo lui rồi đi tìm hai luật sư khác… dọ giá. Bà kể: “Thật bất ngờ, một luật sư nói thù lao chỉ 12 triệu đồng, luật sư kia lấy 10 triệu đồng”. Bà thắc mắc hỏi vì sao lại chỉ có giá đó thì hai luật sư cho hay vụ bà nhờ họ thấy lấy như vậy là hợp lý.

 

Vụ khác, sau khi chồng chết, bà T., ngụ tỉnh Q. bị cha mẹ chồng kiện đòi chia căn nhà của vợ chồng bà nên nhờ luật sư A. bảo vệ. Vụ việc đơn giản vì quy định đã rõ, lẽ ra chỉ lấy một mức thù lao tương xứng thì luật sư lại đòi “cưa” theo tỉ lệ % giá trị di sản mà bà T. được nhận. Không hiểu biết, bà T. đồng ý và ứng trước cho luật sư 10 triệu đồng chi phí đi lại, nghiên cứu hồ sơ.

Chỉ khi tìm đến một trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí, bà T. mới hiểu mình cùng hai con và cha mẹ chồng là đồng thừa kế. Ngoài nửa căn nhà đương nhiên được hưởng, bà còn có 1/5 trong nửa căn nhà còn lại. Vì thế, bà vội vàng xin “kiếu” luật sư dù biết mất 10 triệu đồng ứng trước.

Thân chủ nợ “trăm cây”

 

Chuyện luật sư đòi thù lao cao ngất ngưởng còn gây ra những hệ lụy đáng buồn. Ba năm trước, ông L. bị luật sư A. kiện ra TAND quận 5 (TP.HCM) đòi món nợ 150 lượng vàng. Tại tòa, ông L. khẳng định món nợ này thực chất là thù lao để luật sư lo thủ tục, chi phí hợp thức hóa giấy tờ nhà cho ông. Để ràng buộc, luật sư yêu cầu ông ký giấy nợ khống 150 lượng vàng. Làm xong giấy tờ nhà, phát hiện khoản thù lao luật sư đòi quá cao, ông không trả thì bị kiện.

 

TAND quận 5 đã buộc ông L. phải trả cho luật sư 171 lượng vàng cả gốc lẫn lãi. Ông L. kháng cáo, được TAND TP hủy án. Xử sơ thẩm lần hai, hai bên thỏa thuận là ông L. trả cho luật sư hơn 1,2 tỉ đồng (khoảng 100 lượng vàng). Sau vụ này, dù thắng kiện nhưng luật sư A. đã bị Đoàn Luật sư TP xóa tên vì hét thù lao quá cao và vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi “dụ” thân chủ ký giấy nợ thay cho thù lao thỏa thuận.

 

“Tui là thân chủ mà như… của nợ”

 

Mỗi lần nhắc đến luật sư của mình, bà N. ở quận Tân Phú (TP.HCM) đều lắc đầu ngao ngán: “Luật sư gì kỳ quá. Tui sợ gặp ổng lắm”.

 

Bà kể luật sư này giúp bà trong một vụ kiện về đất đai. Nóng lòng vì vụ việc kéo dài mấy năm nay, bà nhiều lần lên hỏi thăm nhưng mỗi lần thấy bà đến là luật sư cho người khác ra tiếp. Những lần hiếm hoi được gặp thì luật sư rất hay gắt gỏng, thậm chí có lần còn nói như rủa: “Bà lôi thôi quá, cứ chờ tòa làm đi”…

 

Bà N. cho biết: “Tui là thân chủ, ổng lấy tiền công cũng bộn nhưng làm tui có cảm giác như mình là thứ của nợ. Nhiều cái tui muốn biết, lẽ ra phải giải thích cho tui hiểu thì ổng hổng nói gì hết, chưa nói được mấy câu đã đuổi về”… Hỏi sao không nhờ luật sư khác cho nhẹ lòng, bà lại than: Tiền bạc tôi đưa ổng hết rồi, giờ bỏ ngang không đặng”!

 

Luật sư bị pháp luật “sờ gáy”

 

– Tháng 10-2009, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị truy tố giám đốc Công ty Luật Chính Tâm (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Chính và luật sư tập sự Trần Thị Ngọc Tú về hai tội làm môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một năm trước, công an bắt quả tang Chính, Tú nhận 200 triệu đồng của gia đình Lý Chí Trung (quốc tịch Trung Quốc) để chạy án cho bị can này trong một vụ buôn bán tân dược lậu.

 

– Tháng 8-2009, TAND TP Hà Nội đã phạt Lê Quốc Trung, cựu luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 8-2007 đến tháng 6-2008, Trung đã lừa của người quen, thân chủ cũ gần 2 tỉ đồng.

 

– Tháng 4-2009, luật sư K. (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, K. được bà N. nhờ bảo vệ trong một vụ đòi nợ. Tòa chưa thụ lý nhưng K. vẫn hối thúc thân chủ gửi gấp một khoản tiền lớn “để đề nghị tòa kê biên nhà của bị đơn”, sau đó làm giả phiếu thu nộp tiền tạm ứng án phí, phiếu thu ghi nộp tiền kê biên khẩn cấp tạm thời để lấy 200 triệu đồng. Bà N. phát hiện ra, nhiều lần đòi tiền nhưng hơn một năm sau mới lấy lại được 75 triệu đồng.

 

– Tháng 1-2008, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án 29 năm tù đối với Lê Bảo Quốc, cựu luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ… Năm 2005, cơ quan điều tra Bộ Công an bắt quả tang Quốc đang nhận 2 tỉ đồng và 30.000 USD từ một đương sự với lời hứa sẽ “chạy” thi hành một bản án dân sự phúc thẩm.

 

PV

2. Vẽ“rồng rắn” để nhận nhiều tiền

 

Những nhân vật chúng tôi đề cập trong loạt bài này chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” trong giới luật sư. Dù vậy, các thủ thuật làm tiền của họ vẫn gây tác hại lớn bởi nó xâm hại đến quyền lợi khách hàng và làm mất đi tính cao đẹp của nghề.

 

Chiêu “vẽ” đơn giản để rút tiền thân chủ của một số luật sư “lôm côm” là tìm cách liệt kê nhiều khoản phí “không tên” trong quá trình tư vấn, bảo vệ thân chủ. Có khi luật sư gọi khoản phí này là “trà nước” bôi trơn, có khi gọi là chi phí phôtô hồ sơ hay lấy tài liệu…

 

Ðòi chi “trà nước”

 

Anh R. ở quận 3 (TP.HCM) vướng vào một vụ kiện cáo đòi nợ, đến nhờ luật sư H. (Đoàn Luật sư TP.HCM) bảo vệ mình khi ra tòa. Ban đầu, luật sư vui vẻ thỏa thuận mức thù lao 20 triệu đồng. Ít lâu sau, luật sư lại bảo anh R. đưa thêm chục triệu nữa để “bồi dưỡng” cho thư ký, thẩm phán và phôtô hồ sơ… Luật sư nói khoản này mình không hưởng đồng nào mà “qua lại” với thẩm phán, thư ký để dễ tiếp cận hồ sơ.

 

“Qua lại chẳng lẽ cứ nói suông, phải mời người ta ly cà phê, điếu thuốc thì người ta mới tạo điều kiện thuận lợi cho mình coi hồ sơ, phôtô hồ sơ. Thấy mình biết điều, biết đâu ra tòa họ sẽ không làm khó, sẽ ưu ái tuyên mình có lợi”… Thấy luật sư cứ rủ rỉ như vậy, dù cũng xót tiền nhưng vì muốn vụ kiện của mình được thuận lợi, anh R. đành bấm bụng nghe theo…

 

Với kiểu “vẽ rồng vẽ rắn” này, không ít đương sự đã bị luật sư “vẽ” cho tơi tả, đặc biệt với những vụ tranh chấp đất đai. Luật sư bảo rằng cần phải ra phường, lên quận, đến phòng này, sở kia để làm việc, lấy tài liệu… rồi đề nghị đương sự chi thêm… Thậm chí có luật sư còn gợi ý rằng nếu vụ việc luật sư làm thắng thì đương sự nên “thưởng thêm” cho luật sư chút đỉnh.

 

Trao đổi, nhiều thẩm phán khẳng định những đòi hỏi theo kiểu “bồi dưỡng” cho cán bộ tòa để được phôtô tài liệu, coi hồ sơ… như trên là bịa đặt. Việc coi hồ sơ, phôtô tài liệu đã được luật quy định rõ ràng. Tòa mà “kiếm chác” thì “chết” với luật sư bởi họ sẽ viện luật ra nói chuyện, tòa không cãi vào đâu được.

 

Việc đơn giản, nói phức tạp

 

Bà H., ngụ quận 5 (TP.HCM) đã từng tự trách mình khi nhờ luật sư T. (Đoàn Luật sư TP.HCM) làm giấy tờ nhà mua ở quận 8. Gặp gỡ bà H., nghe bà trình bày xong, luật sư nói một hơi rằng vụ này “khó lắm, nhọc công đấy”. Ông bảo nào là nhà này là nhà thừa kế chung giữa bà vợ và mẹ ông chồng, một mình bà vợ đứng bán không được mà phải có cả hai người đồng ý. Ông chồng chết rồi chưa có giấy chứng tử nên cũng vấp phải một rào cản…

 

Hoa mắt, bà H. đã phải mất một khoản kha khá cho luật sư “lo” giấy tờ. Sau khi đã có nhà, có giấy tờ trong tay rồi, có dịp bà hỏi dò mấy cán bộ quận thì họ bảo nhà này chỉ thuộc quyền thừa kế của bà vợ mà thôi. Giấy tờ nhà cũng đã đầy đủ, không có vấn đề gì.

 

Chuyện của bà H. không phải là hiếm. Một số luật sư đã vui miệng kể rằng nếu cứ nói với thân chủ “việc này dễ lắm, tui làm phát một là xong” thì… đói vì không lấy được thù lao cao. Một vụ việc dù dễ cũng phải biết làm cho nó có vẻ phức tạp hơn. Thấy vụ việc khó khăn, thân chủ mới biết luật sư nhọc công nên trả thù lao tương xứng.

 

Chẳng hạn, với tranh chấp về đất đai, nhà cửa thì luật sư nói là cần định giá, mà định giá thì thủ tục phức tạp, phải mời ông nọ bà kia, rồi phải chạy cơ quan này cơ quan nọ để hỏi xem sự việc của đương sự có đúng luật, đã đầy đủ giấy tờ pháp lý chưa… Nếu thấy hồ sơ còn thiếu quyết định này kia thì luật sư than thở là làm vụ này rất nhọc công, tốn kém. Luật sư còn nại ra là đã từng làm những vụ tương tự, “không khéo thì phần thắng khó nằm trong tay”. Đương sự nghe luật sư kêu ca đủ kiểu cũng phát hoảng, rồi lại nhờ luật sư làm giúp, hết bao nhiêu cũng chi!

 

Hứa “lo” án nhẹ

 

Một dạng “moi tiền” thân chủ nữa là luật sư hứa hẹn lo được án nhẹ hoặc hứa thắng để đương sự vui vẻ giao tiền. Những vụ này mà có kết quả như cam kết của luật sư thì không sao, ngược lại sẽ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng giữa chính luật sư và thân chủ như trường hợp của bà G., ngụ tỉnh Bình Thuận.

 

Bà G. đã khởi kiện một luật sư ở Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra tòa vì cho rằng vị này vi phạm thỏa thuận trong vụ việc của con trai bà. Theo đơn kiện, luật sư đã nhận tiền và khẳng định sẽ lo cho con trai bà (bị cáo trong một vụ tai nạn giao thông chết người) được hưởng án treo hoặc cùng lắm cũng chỉ bị kết án dưới một năm tù.

 

Kết quả là tòa đã ra phán quyết phạt con trai bà G. gần hai năm tù. Thấy kết quả không giống như luật sư từng hùng hồn hứa hẹn, bà G. bực lắm, liên tục đi đòi lại tiền song luật sư không trả, còn thách bà đi kiện.

 

Ông Trương Đăng Khoahội thẩm nhân dân TAND tỉnh Kiên Giang: Trong khi nhiều luật sư khác đang ngày ngày xây dựng hình ảnh tốt thì không thể chấp nhận những “con sâu làm rầu nồi canh” như thế. Điều đó là không công bằng với những luật sư chân chính.

 

Nếu phát hiện và có chứng cứ về tiêu cực, các đoàn luật sư nên xử lý mạnh tay để bớt đi cảnh luật sư làm rầu thân chủ.

 

Ông Chu Văn Tuấn, Viện trưởng VKSND huyện Krông Năng (Dăk Lăk): Nghề luật sư cũng rất cao quý, cũng rất được người dân coi trọng. Luật sư phải không ngừng rèn giũa đạo đức nghề nghiệp, san sẻ sự khó khăn của thân chủ.

 

Thân chủ đáo tụng đình đã là khổ rồi, gánh thêm nỗi bực dọc từ luật sư nữa thì nỗi khổ sở càng tăng gấp bội.

 

Nếu không san sẻ được với người dân như thế mà chỉ chăm chăm làm sao lấy được nhiều tiền của họ thì có lẽ không nên làm luật sư thì hơn.

 

Thạc sĩ Đỗ Thanh Trunggiảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM: Lòng tin của thân chủ là điều quan trọng với một luật sư.

 

Thân chủ mà không tin luật sư nữa thì luật sư coi như không có việc để làm.

 

Luật sư “lôm côm” đã tự làm xấu mình và làm xấu hình ảnh đồng nghiệp, nghề nghiệp trong mắt người dân.

 

Theo tôi, các luật sư phải thực sự yêu quý, trân trọng nghề nghiệp của mình để không vướng phải những chuyện không hay làm uy tín bị giảm sút.

 

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM): Quan hệ với khách hàng là “lửa thử vàng” với luật sư. Uy tín, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư, có tiêu cực hay không đều xuất phát từ mối quan hệ này.

 

Nghề nghiệp đòi hỏi mỗi luật sư phải tự điều chỉnh hành vi của mình và cơ sở của sự tự điều chỉnh đó chính là đạo đức.

 

Luật sư hành nghề với mục tiêu phụng sự công lý, tôn trọng và dựa trên pháp luật thì trước hết phải xuất phát từ nền tảng đạo đức.

 

Mỗi luật sư phải tự ý thức được phẩm giá và uy tín để tự điều chỉnh được hành vi của mình.

 

(Trích tham luận tại Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc tháng 5-2009)

 

Lỡ gặp luật sư lừa

Mới đây, một người dân ở Quảng Nam đã khiếu nại khắp nơi việc bà HTTL tự xưng là luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam, nhận gần 80 triệu đồng để lo vụ kiện cho bà. Nhận tiền rồi, bà L. đã bỏ đi đâu mất, bà liên lạc, tìm kiếm mãi không được.

 

Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam khẳng định không có luật sư thành viên nào tên là HTTL như trên. Được biết, bà HTTL vốn là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM. Khi còn sống ở TP, bà đã mượn nhà của một người quen nhưng ở lỳ, không chịu trả. Chủ nhà đã kiện đòi nhà và được tòa chấp nhận. Ngoài việc khởi kiện, chủ nhà cũng đã khiếu nại đến Đoàn Luật sư TP.HCM về tư cách của bà L. Năm 2008, Đoàn Luật sư TP.HCM đã xóa tên bà L. ra khỏi danh sách vì vi phạm đạo đức luật sư.

 

H.TUYẾT

3. Ðưa thân chủ ra tòa

 

Không chỉ “vẽ rồng rắn” để nhận nhiều thù lao, luật sư còn không ngần ngại đưa thân chủ ra tòa khi có tranh chấp. Trong những vụ đó, phần thua thiệt thường rơi vào phía những người dân không rành rẽ pháp luật…

 

Tòa Dân sự TAND Tối cao vừa xử giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ luật sư VTV (Đoàn Luật sư TP.HCM) đòi nợ thân chủ. Theo tòa, ngoài những lỗi tố tụng của cấp dưới thì giao dịch vay mượn giữa hai bên cũng chưa rõ là thật hay giả.

 

Dụ thân chủ ký giấy nợ khống?

 

Theo hồ sơ, đầu năm 2006, luật sư V. kiện bà P. ra TAND quận Gò Vấp đòi nợ. Luật sư nộp cho tòa tờ giấy nợ có chữ ký, điểm chỉ xác nhận của bà P., nội dung là bà P. vay luật sư 400 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng để làm bằng.

 

Ngược lại, bà P. trình bày đó không phải là khoản vay nợ gì cả mà là thù lao bà hứa trả cho luật sư. Cụ thể, bốn năm trước, bà nhờ luật sư bảo vệ khi tranh chấp hai căn nhà với các đồng thừa kế. Luật sư hứa giúp bà nhận được căn nhà ở Gò Vấp với mức thù lao 30 triệu đồng, còn nếu muốn được chia thêm một phần căn nhà ở Tân Bình thì bà phải chi 30% giá trị tài sản. Bà đồng ý và đưa trước cho luật sư 30 triệu đồng, đồng thời ký vào giấy vay tiền khống thay cho thỏa thuận chia 30% giá trị tài sản.

 

Cầm 30 triệu đồng rồi, luật sư không đoái hoài gì, mặc bà tự lo. Đến khi bà tự thỏa thuận được với các đồng thừa kế về việc chia căn nhà ở Tân Bình, luật sư lại bắt bà bồi dưỡng 100 triệu đồng, sau đó hạ xuống còn 50 triệu đồng mới xé bỏ giấy nợ khống, nếu không sẽ kiện ra tòa. Bức xúc, bà P. tố cáo luật sư V. ra Công an quận Tân Bình nhưng công an cho rằng đây chỉ là quan hệ dân sự. Ngay sau đó, luật sư đã khởi kiện bà.

 

Theo kết quả giám định, chữ ký trên giấy nợ là của bà P. nên cả TAND quận Gò Vấp lẫn TAND TP đều nhận định không có chứng cứ chứng minh bà P. ký khống giấy nợ và buộc bà phải trả cho luật sư 550 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.

 

Sau đó, chánh án TAND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án trên để xử lại. Trong quyết định giám đốc thẩm, Tòa Dân sự TAND Tối cao nhận xét hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã không làm đúng thủ tục giám định, chưa làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự. Tòa tối cao còn yêu cầu giám định cuộn băng ghi âm ghi lại trao đổi giữa bà P. và luật sư V. (liên quan đến chuyện tiền bạc) để làm rõ giao dịch vay tiền là thật hay giả.

 

Mắng thân chủ “thất đức”

 

Xúi thân chủ khai gian?

 

Mới đây, VKS huyện Cam Lộ đã kiến nghị giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị xem xét, kỷ luật luật sư VĐM, giám đốc một công ty luật hợp danh, vì đã xúi giục bị cáo khai gian.

 

Theo VKS huyện Cam Lộ, luật sư M. đã xúi giục bị cáo ĐTS thay đổi lời khai trong một vụ trộm cắp tài sản được TAND huyện này xét xử hồi tháng 5-2009. Trước đó, S. thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận kết quả điều tra của Công an huyện Cam Lộ nhưng khi vụ án được đưa ra xét xử, S. lại một mực phản cung, khai mình bị cơ quan điều tra ép cung. Sau đó, S. đã thừa nhận việc mình phản cung tại phiên tòa là làm theo sự chỉ dẫn của luật sư M.

 

Đầu năm nay, bà H. gửi đơn đến TAND quận T. (TP.HCM) kiện đòi luật sư X. phải trả lại cho bà hơn 20 triệu đồng mà bà đã bỏ ra thuê luật sư bảo vệ quyền lợi trong một vụ tranh chấp. Bà H. cũng yêu cầu tòa buộc luật sư phải xin lỗi vì đã có những lời lẽ miệt thị, xúc phạm đến danh dự, uy tín của bà.

 

Theo đơn kiện, trước đó bà H. thuê luật sư X. bảo vệ trong một vụ tranh chấp với khoản thù lao gần 50 triệu đồng và bà đã ứng trước cho luật sư 30 triệu đồng nhưng sau đó luật sư đã không làm đến nơi đến chốn. Vì vậy, bà tới gặp, đòi luật sư trả lại 20 triệu đồng đã ứng trước, còn 10 triệu đồng bà coi như là khoản chi phí xác thực mà luật sư được hưởng.

 

Nghe xong, luật sư “nổi đóa” lên. Ban đầu luật sư to tiếng nhưng lời lẽ còn chấp nhận được, về sau thì chửi rủa bà thậm tệ. Luật sư còn cho rằng bà ăn ở thất đức nên mới vướng phải kiện tụng lung tung và đe sẽ kiện bà ra tòa đòi 20 triệu đồng còn lại theo hợp đồng cho bà vô phúc đáo tụng đình luôn!

 

Nghe đến đây, bà chịu không nổi nên bỏ về. Càng nghĩ càng ức, bà bèn viết đơn kiện luật sư. Bà cho biết dù hợp đồng với luật sư là lo vụ kiện hết gần 50 triệu đồng nhưng luật sư đã thiếu trách nhiệm thì bà chỉ trả 10 triệu đồng là đúng. Ngoài ra, chuyện kiện tụng là chuyện phải xảy ra khi có tranh chấp chứ chẳng phải là “vô phúc, ở ác” gì mới dính vào nó nên luật sư nói bà ăn ở thất đức là xúc phạm. Hơn nữa, bà đến gặp luật sư để “đàm phán” về thù lao mà luật sư lại cho rằng bà phủi tay, tráo trở thì chẳng khác nào “bôi tro trát trấu” vào mặt bà…

 

Khai sai cho thân chủ

Cách đây chưa lâu, TAND quận 1 (TP.HCM) đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa ông P. và luật sư C. Theo hồ sơ, ông P. kiện luật sư C. đòi bồi thường vì cho rằng luật sư này khai sai sự thật tại cơ quan công an về các giao dịch mua bán nhà của ông, làm danh dự, uy tín, quyền lợi của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Tại tòa, luật sư C. đã thừa nhận các lời khai của bà tại cơ quan công an là không đúng sự thật và đề nghị trả lại ông P. 2 triệu đồng phí dịch vụ. Trước thái độ thành khẩn này của luật sư, ông P. đã thông cảm, không yêu cầu luật sư phải bồi thường nữa.

 

Bên cạnh những luật sư lôm côm cũng đang có rất nhiều luật sư đàng hoàng, tận tâm, có trách nhiệm với nghề nghiệp, với thân chủ.

 

• Năm 2008, anh Nguyễn Minh Hùng được TAND tỉnh Tây Ninh xin lỗi, bồi thường vì tuyên án tử hình oan về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Kết quả ấy đến từ nỗ lực của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM). Được gia đình anh Hùng nhờ, ông hàng chục lần chạy lên chạy xuống Tây Ninh thu thập chứng cứ chứng minh thân chủ vô tội mà không hề nhận một đồng thù lao. Mỗi lần gia đình anh Hùng xuống TP, ông đều lưu họ lại, lo chu toàn từ cơm nước đến chỗ nghỉ ngơi. Áy náy, cha anh Hùng nhiều lần muốn mời luật sư đi uống bia cảm ơn nhưng luật sư đều từ chối.

 

• Năm 2008, anh Nguyễn Tấn Đại, thân chủ của luật sư Phạm Đức Tính (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), đã được minh oan về tội hiếp dâm trẻ em. Dù chỉ là luật sư chỉ định nhưng luật sư Tính đã bỏ hết thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án và xác minh thực tế. Thậm chí luật sư đã “thực nghiệm điều tra” bằng cách chọn đúng lúc 12 giờ trưa, trời nắng to thì cởi quần, đặt mông vào phiến đá nóng rồi bị rát bỏng, mang sẹo để chứng minh thân chủ mình không thể thực hiện hành vi đồi bại trên phiến đá này vào lúc đó như VKS truy tố.

 

• Năm 2005, bà Phạm Thị Út được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên trắng án về tội giết người. Đằng sau vụ án xuất hiện bóng dáng của luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM). Suốt 12 năm, ông đã cần mẫn thu thập chứng cứ chứng minh thân chủ bị oan. Trong suốt quãng đường cùng bà Út đi tìm công lý, luật sư đã làm bằng tất cả tấm lòng mà không hề lấy một đồng thù lao.

 

• Người ta vẫn quen gọi luật sư Trịnh Thanh là luật sư của người nghèo, đúng như cái tên “Văn phòng luật sư Người nghèo” của ông. Ngoài việc trợ giúp pháp lý miễn phí, ông cũng gắn tên mình với những vụ án oan. Năm 2005, ông đã minh oan cho anh Đ. trong một vụ trộm cắp tài sản của kho xăng. Hay trong “vụ án vườn mít”, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bị cáo Lê Bá Mai án tử hình, phiên phúc thẩm cũng y án. Nhưng luật sư Thanh đã lần lượt xâu chuỗi các chi tiết nhỏ để đi đến một minh chứng trái ngược và vụ án đã được lật lại…

BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn